Mặc dù các cơ quan chức năng TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi... nhưng dạo quanh khu vực trung tâm TP.HCM vẫn dễ dàng nhận thấy rác thải nhựa hiện diện ở nhiều nơi với đủ loại thành phần. Nhiều nhất vẫn là ly nhựa đựng nước uống, chai nhựa, bao nilông, hộp xốp đựng thức ăn nằm vương vãi trên vỉa hè, bồn cây.
Rác thải nhựa không chỉ hiện diện ở mọi nẻo đường mà còn xuất hiện dày đặc trên các kênh rạch, thậm chí... chui vào hệ thống cống thoát nước. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng chỉnh trang vẫn có đoạn ngập trong rác thải nhựa khiến các công nhân vớt rác trên tuyến kênh này làm việc không xuể.
Theo ông Bùi Trọng Hiếu - chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, qua các số liệu nghiên cứu cho thấy trong khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn TP.HCM có 1.800 tấn rác thải nhựa (chiếm tỉ lệ hơn 20%). Tuy vậy chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi tái chế (chiếm khoảng 11% lượng rác thải nhựa).
Theo các chuyên gia môi trường, giải pháp căn cơ để hạn chế rác thải nhựa tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, đồng thời xử lý mạnh tình trạng xả rác thải ra môi trường.
Theo đó, rác tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ được phân làm 3 loại: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật); rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilông, thủy tinh) và rác thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại).
Tuy nhiên việc phân loại rác tại nguồn này chưa được triển khai rộng khắp, hơn nữa rất khó phân loại tách bạch rác thải nhựa ra khỏi rác thải sinh hoạt bởi hiện tại người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng bao nilông đựng rác.
Nguồn: tuoitre