Hiện nay, ngành hàng thực phẩm của nước Việt Nam ta đang phát triển mạnh điều đó cũng làm cho lĩnh vực Bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15 đến 20%/năm. Trong đó chỉ riêng với Bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm.
Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong và ngoài nước. Người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước là chủ yếu nhưng tỉ lệ yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xu hướng tăng. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, hàng ngoại có mặt trên thị trường ngày càng nhiều sẽ là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong cuộc tranh đua về sản xuất bao bì thì phần thua luôn nghiêng về doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kỹ thuật, máy móc công nghệ cao...
Theo thông tin từ Hãng Nghiên cứu thị trường Euromonitor, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam trong năm 2015 là 3,915 triệu tấn, vào năm 2020 sẽ là 5,396 triệu tấn, tăng 38%, trong khi nhu cầu của toàn thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020 chỉ tăng 13%.
Cơ hội tiềm năng của thị trường Bao bì Việt Nam
Chia sẻ tại Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp sản xuất và đóng gói thực phẩm, đồ uống và dược phẩm tại Việt Nam (ProPak Vietnam 2017) vừa được tổ chức vào cuối tháng 3 tại TP.HCM, ông BT Tee - TGĐ Công ty Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam cho biết: "Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao tại Việt Nam. Dự báo xuất khẩu những mặt hàng này sẽ phát triển mạnh, dẫn đến nhu cầu sử dụng bao bì sẽ rất lớn".
Ông Robert Graves - TGĐ Công ty CP Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam nằm trong top 10 thị trường lớn nhất của Tetra Pak. Năm ngoái, Tetra Pak cung cấp khoảng 7,5 tỷ bao bì cho thị trường trong nước, đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm trước đó và nhanh nhất trong 25 năm qua, trong đó nhiều nhất là bao bì cho ngành sữa, các loại nước hoa quả, rượu vang".
Cũng theo bà Quân, do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, cộng với nhu cầu bao bì ngành F&B tăng nhanh, nên các tập đoàn nước ngoài, nhất là Trung Quốc tiếp tục vào Việt nam đầu tư trong lĩnh vực này. Đơn cử mới đây, Công ty Lee & Man (Trung Quốc) đã đầu tư 280 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì có công suất 420.000 tấn/năm.
Theo dự báo của ông Robert Graves, 2 năm nữa, nhu cầu sử dụng bao bì trong các ngành thực phẩm, đồ uống còn nhiều dư địa tăng trưởng do mức tiêu thụ sản phẩm từ sữa, trái cây đóng hộp tiếp tục tăng.
Phân tích của Tetra Pak cho thấy, mặc dù các sản phẩm này đang có thị phần cao nhưng so với thế giới vẫn là mức thấp, mức tiêu thụ còn rất nhỏ. Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang uống sữa pha sẵn, tiện dụng ngày càng phát triển.
Cũng theo dự báo của Tetra Pak, năm 2015 mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam là 25 lít/người, năm 2020 sẽ tăng lên 28 lít, cho thấy tiềm năng thị trường bao bì sữa tại Việt Nam còn lớn, trong đó, bao bì giấy cứng chiếm 62,2% và bao bì nhôm chiếm 23,3%.
Theo Euromonitor, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam trong năm 2015 là 3,915 triệu tấn, vào năm 2020 sẽ là 5,396 triệu tấn, tăng 38%.
Riêng các loại thực phẩm lỏng khác với khoảng 3,3 tỷ lít, chưa kể ngành công nghiệp xà phòng, dầu gội, sữa tắm, gia vị cũng có khả năng phát triển doanh số đến 351 tỷ USD trong năm 2018.
Chính vì điều đó cho thấy rằng Bao bì Việt Nam nếu sản xuất ra thì vẫn có thị trường để tiêu thụ chứ không phải gặp trường hợp khan hiếm nguồn cầu sản phẩm.
Các công ty Bao Bì Việt Nam đang có dấu hiệu tụt dốc
Được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao song các doanh nghiệp bao bì Việt dường như đang yếu sức trong cuộc đo với doanh nghiệp ngoại. Nếu cục diện không thay đổi, nhiều khả năng bao bì Việt không chỉ mất thị trường trong nước mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ vào tay khối ngoại.
Hiện tại, có khá nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PET... Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ rệt giữa các doanh nghiệp phục vụ cho các đối tượng khách hàng nhỏ lẻ và các doanh nghiệp bao bì có thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn. Chẳng hạn, nhóm chai nhựa PET với những thương hiệu lớn như Ngọc Nghĩa, Bảo Vân; Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm; còn nhóm bao bì giấy cho thị trường sữa, thị phần tập trung vào Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)... vì yêu cầu công nghệ cao.
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà ngành công nghiệp bao bì trong nước phải đối mặt là công nghệ chưa cao khiến cho các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là sự thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng các vật liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp bao bì Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại tại Interpack 2017
Tại hội thảo, các doanh nghiệp trong ngành bao bì cùng với các chuyên gia Đức đã thảo luận về sự phát triển của toàn ngành bao bì và thông tin về hội chợ Interpack 2017. Các chuyên gia đánh giá, hội chợ sẽ là cầu nối để các của doanh nghiệp bao bì Việt Nam vươn tới thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung, với tổng diện tích gian hàng dự kiến của doanh nghiệp Việt Nam là 150m2.
Đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VIPAS) cho biết, đây là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, đặc biêt khi nhu cầu trong nước ngày càng cao đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu những sản phẩm cần được đóng gói. Lĩnh vực đóng gói bao bì tăng trưởng trung bình từ 15 - 20%/năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, khoảng 70% trong số đó tập trung ở các tỉnh thành phía Nam. Thị trường có thể được chia làm 5 lĩnh vực chính bao gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành bao bì nhựa cũng đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Bao bì nhựa phát triển mạnh do ngành lương thực, thực phẩm có bước tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp đã đầu tư những dây chuyền công nghệ mới và cung ứng ra thị trường nhiều chủng loại bao bì cao cấp, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm như bao bì sử dụng màng ghép phức hợp có chức năng gia tăng độ bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm mà không cần dùng chất bảo quản...
Ông Bjoern Koslowski - Phó trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, máy móc của CHLB Đức luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu và là đầu tư bền vững bởi chất lượng và công nghệ hiện đại tuy giá thành có cao hơn. Năm 2015, tổng giá trị máy móc của CHLB Đức phục vụ trong ngành bao bì được Việt Nam nhập về là 85 triệu Euro, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với sự tăng trưởng trong kết nối giao thương công nghệ này các DN ngành bao bì Việt Nam có cơ hội hiện đại hóa sản xuất và tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Song, với những bao bì đòi hỏi chất lượng cao để bảo quản sản phẩm thực phẩm thì hiện nay vẫn rất ít doanh nghiệp Việt sản xuất được. Chẳng hạn như bao bì sữa vẫn là "mảnh đất riêng" của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các loại bao bì giấy có PE chống thẩm thấu hay loại túi có yêu cầu vừa xếp hông vừa có zipper kéo lại khi sử dụng chưa hết thì các doanh nghiệp Việt cũng chưa làm tốt như nước ngoài.
Xu hướng và tương lai bao bì
Trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát rất năng động, nhà sản xuất không những cần phải liên tục thích nghi với nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn phải theo kịp những xu hướng mới nhất, không ngừng cải tiến để giữ được sự quan tâm của người mua. Bao bì là bộ mặt của một sản phẩm và thương hiệu, và nhà sản xuất có thể làm gì để thu hút người tiêu dùng hiện nay?
Tài nguyên toàn cầu đang giảm dần, sự tăng trưởng dân số, sức tiêu dùng tăng cao của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của thương mại điện tử qua nền tảng di động cùng với các “đại xu hướng” khác sẽ là sự thách thức chưa từng có đối với khả năng cải tiến của ngành công nghiệp bao bì.
Với một phần ba lượng thực phẩm được sản xuất cho con người tiêu thụ trên toàn cầu bị đánh mất hoặc lãng phí, tương đương với 1,3 tỉ tấn hằng năm, thế giới đang đối diện nhu cầu khẩn cấp nhằm giảm lượng thực phẩm bị hao phí. Đây là lĩnh vực mà công nghệ bao bì có thể đóng một vai trò lớn, khi mà lợi ích môi trường, kinh tế và nhân văn đang yêu cầu như thế.
Bao bì đóng vai trò quan trọng để bảo vệ thực phẩm và sản phẩm giải khát, tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và người tiêu dùng trở nên hiểu biết, sành điệu hơn thì thiết kế bao bì cũng trở nên quan trọng như chức năng của nó. Để cạnh tranh thành công, các công ty thực phẩm cần tìm những cách độc đáo để sự kết nối cảm xúc giữa người tiêu dùng với thương hiệu mạnh mẽ hơn và bao bì là một cách như vậy.
Nguồn: vinatana.com