Sơ lược về ngành nhựa
Ngành nhựa Việt Nam là một trong các ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so
với các ngành khác trong nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng trung bình 11,6% một năm nhanh hơn so với mức tăng trưởng 3,9% của ngành nhựa thế giới và nhanh hơn so với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,2% của Việt Nam trong cùng giai đoạn. Các sản phẩm đầu ra của ngành nhựa Việt Nam được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau từ tiêu dùng, thương mại cho đến xây dựng, lắp ráp và trong đó được phân chia làm bốn mảng chính là các sản phẩm nhựa bao bì, nhựa dân dụng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Quy mô ngành nhựa năm 2017 ước đạt 15 tỷ USD, tương đương với khoảng 6,7% GDP của Việt Nam năm
đó. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đó là hai mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng. Ngoài việc phục vụ nhu
cầu tiêu thụ trong nước, thì sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 160 quốc gia trên thế
giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng 14,3% so với năm 2016 và chiếm
1,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ tập trung
vào hai mảng lớn nhất trong cơ cấu đầu ra của ngành nhựa là mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng.
Năm 2017, ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh tương đương tỷ
lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở mức 63 kg/người/năm. Tỷ lệ này của Việt Nam trong năm 1990 chỉ
ở mức 3,8 kg/người/năm; như vậy trong giai đoạn từ 1990 đến 2017, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu
người của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,6% một năm.
Lịch sử hình thành của ngành nhựa Việt Nam
Giai đoạn 1960 – 1980:
Đây là giai đoạn hình thành của ngành nhựa Việt Nam với việc dây chuyền sản xuất nhựa PVC đầu tiên được
Trung Quốc hỗ trợ xây dựng tại nhà máy hóa chất Việt Trì vào năm 1959. Nguyên liệu nhựa PVC trong giai
đoạn này được sử dụng chủ yếu để phục vụ trong ngành công nghiệp quốc phòng. Nhà máy hóa chất Việt Trì
tiếp tục sản xuất PVC cho đến năm 1976 thì dây chuyền PVC phải ngừng hoạt động do công nghệ lạc hậu và dây chuyền bị hư nặng.
Giai đoạn 1980 – 1990:
Trong thập thiên 90, ngành nhựa Việt Nam vẫn chưa phát triển, sản xuất chủ yếu là lắp ráp và phần lớn các
sản phẩm nhựa trong giai đoạn này đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Sản phẩm nhựa sản xuất trong giai đoạn
này hầu hết chỉ là những sản phẩm với thiết kế đơn giản và ít đa dạng về hình thức, mẫu mã.
Giai đoạn 1990 – 1999:
Những năm từ 1990 – 1999 là giai đoạn phát triển nhanh chóng của ngành nhựa Việt Nam với nhiều chính sách đổi
mới của nhà nước. Năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước giai đoạn này cũng được cải thiện đáng kể
với sự xuất hiện của liên doanh hóa dầu lớn là TPC Vina (Liên doanh giữa CTCP Nhựa và Hóa chất Thái Lan
TPC, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem và CTCP Nhựa Việt Nam). Trong giai đoạn này nguyên liệu nhựa
sản xuất của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào nguyên liệu PVC.
Giai đoạn 2000 – 2007:
Đây là giai đoạn ngành nhựa phát triển nhanh với tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 13,5%. Sản lượng
nguyên liệu nhựa cũng được cải thiện đáng kể với sự xuất hiện của liên doanh thứ hai Nhựa và Hóa chất Phú
Mỹ (liên doanh giữa Petronas Malaysia và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2002. Trong giai đoạn này, các sản
phẩm của ngành nhựa cũng đa dạng hơn về mẫu mã cũng như chất lượng cũng được cải thiện đáng kể.
Giai đoạn 2007 – nay:
Đây là giai đoạn tiếp tục phát triển nhanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Ngành nhựa phát
triển mạnh, đa dạng hóa sản phẩm của mình trong cả bốn mảng sản phẩm là nhựa bao bì, nhựa dân dụng,
nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật. Việc duy trì chính sách mở cửa khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhiều
hơn tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thực phẩm, đồ uống tạo động lực giúp mảng nhựa
bao bì phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: FPT Securities